Nguyên nhân chậm dậy thì
Trẻ không dung nạp đủ chất dinh dưỡng, có bất thường nhiễm sắc thể, có vấn đề về tuyến yên, tuyến giáp sẽ bị dậy thì muộn.
Tuổi dậy thì là thời điểm cơ thể phát triển từ trẻ nhỏ thành người lớn. Thông thường, những thay đổi này bắt đầu ở lứa tuổi 8-14 đối với trẻ em gái, 9-15 tuổi đối với trẻ em trai.
Các dấu hiệu dậy thì của bé gái bao gồm: ngực phát triển; mọc lông mu, kinh nguyệt, đường cong cơ thể, hông… Bé trai sẽ bắt đầu mọc lông mu và lông mặt; tinh hoàn, dương vật phát triển; thay đổi hình dạng cơ thể; vai rộng, cơ bắp … Những thay đổi này là do nội tiết tố testosterone ở nam, estrogen ở nữ được sản sinh ra với lượng lớn hơn trước rất nhiều.
Các dấu hiệu dậy thì muộn ở nam giới bao gồm: dương vật, tinh hoàn không bắt đầu phát triển ở tuổi 14; tầm vóc thấp bé so với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ em gái dậy thì muộn không phát triển ngực trước 14 tuổi; không bắt đầu hành kinh trong vòng 5 năm kể từ khi vú phát triển. Điều này có thể được gây ra bởi một số lý do dưới đây:
Lịch sử gia đình
Thông thường, dậy thì muộn là một mô hình tăng trưởng và phát triển trong một gia đình. Trẻ em trai và gái có bố, mẹ, cô, dì, anh, chị, em ruột phát triển muộn hơn bình thường sẽ bị dậy thì muộn. Tình trạng này không cần điều trị. Những thanh thiếu niên này sẽ phát triển bình thường, chỉ muộn hơn hầu hết các bạn cùng lứa tuổi.
Bệnh lý
Một số người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ nang, bệnh thận, hoặc thậm chí hen suyễn có thể dậy thì chậm hơn, vì bệnh có thể khiến cơ thể khó phát triển. Điều trị thích hợp và kiểm soát tốt hơn tình trạng sức khỏe của bạn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một người suy dinh dưỡng, không dung nạp cũng có thể phát triển muộn hơn những người có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Ví dụ, thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống thường bị sụt cân khiến cơ thể không thể phát triển bình thường.
Dậy thì muộn cũng có thể xảy ra do các vấn đề với tuyến yên hoặc tuyến giáp. Các tuyến này sản xuất ra các hormone quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Một số người dậy thì bất thường do bất thường trong nhiễm sắc thể. Ví dụ, hội chứng Turner xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của phụ nữ bất thường hoặc bị thiếu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em gái và sự phát triển của buồng trứng.
Nam giới mắc hội chứng Klinefelter sinh ra có thêm nhiễm sắc thể X (XXY thay vì XY) cũng bị chậm phát triển giới tính. Bé trai mắc chứng này thường cao so với tuổi, dễ gặp khó khăn trong học tập, mắc các bệnh khác.
Làm thế nào để chẩn đoán dậy thì muộn?
Để chẩn đoán trẻ dậy thì muộn, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ xem xét tiền sử bệnh, tiền sử gia đình của con bạn và hỏi về các loại thuốc mà con bạn đang dùng. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để kiểm tra tuyến giáp, tuyến yên, nhiễm sắc thể hoặc các vấn đề khác.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang tuổi xương để xem liệu xương có phát triển theo tuổi tác hay không. Thông thường, nếu phát hiện có vấn đề, chuyên gia y tế có thể giúp trẻ dậy thì muộn phát triển bình thường.
Các bé trai có thể được điều trị ngắn hạn bằng testosterone (thường là tiêm hàng tháng trong vòng 4-6 tháng) để bắt đầu những thay đổi của tuổi dậy thì. Các bé gái có thể được tiêm estrogen liều thấp trong vòng 4-6 tháng.
Lê Nguyên (Theo Sức khỏe trẻ em)