Thế giới có thể mất 2,8 nghìn tỷ USD vì xung đột Nga-Ukraine
OECD cho rằng thế giới đang phải trả một “cái giá rất đắt” cho cuộc chiến ở Ukraine và cảnh báo rằng châu Âu đang rơi vào suy thoái.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 26/9 ước tính chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ tiêu tốn 2,8 nghìn tỷ USD GDP toàn cầu vào cuối năm sau. Con số này có thể còn lớn hơn nếu mùa đông khắc nghiệt buộc châu Âu phải phân phối năng lượng sử dụng.
Xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng vọt, làm suy yếu chi tiêu hộ gia đình và làm giảm niềm tin kinh doanh, đặc biệt là ở châu Âu. Xung đột này đang phá vỡ chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu và làm rung chuyển các thị trường trên toàn cầu.
Các chính phủ phương Tây lo ngại xung đột sẽ kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Điều này sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế toàn cầu. Álvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng tại OECD, cho biết: “Chúng ta đang phải trả một cái giá rất đắt cho cuộc chiến này.
Trong dự báo hôm qua, OECD cho rằng kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 3% trong năm nay và 2,2% trong năm tới. Trước chiến tranh, các con số là 4,5% và 3,2%.
Đối với khu vực đồng euro, OECD ước tính tăng trưởng GDP chỉ 0,3% trong năm tới. Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ giảm 0,7%.
OECD cảnh báo rằng nền kinh tế châu Âu có thể thu hẹp hơn nữa nếu giá năng lượng tăng trở lại. Nếu giá khí đốt tăng 50% trong thời gian còn lại của năm nay, GDP của châu Âu có thể giảm 1,3% vào năm 2023. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chỉ tăng trưởng 1,7%. “Châu Âu sẽ rơi vào suy thoái,” Pereira nói.
Các chính phủ trên khắp châu Âu đã chi hàng tỷ đô la để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chống chọi với giá nhiên liệu tăng cao. Một số áp đặt trần năng lượng. Tuy nhiên, điều này khiến các gia đình không có động lực để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng khiến nợ công của các nước tăng vọt. OECD cho rằng các quốc gia chỉ nên tập trung vào những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm tới xuống 0,5%. GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể còn giảm mạnh hơn nữa nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh như dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Với Trung Quốc, tổ chức này cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại vào năm 2023, sau khi trì trệ trong năm nay. Trung Quốc có thể tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 4,7% trong năm tới.
Hà Thu (theo WSJ)